Sức khỏe - Sảng khoái - Sành điệu

Hạt sen Tịnh Tâm và các đặc sản hồ Tịnh

Vốn là khu thượng uyển nổi tiếng hàng đầu của vương triều Nguyễn, Tịnh Tâm từng được vua Minh Mạng làm thơ ca ngợi 10 bài liền với tiêu đề Bắc hồ thập cảnh. Vua Thiệu Trị lại xếp hạng Tịnh Tâm vị thứ 3 trong danh mục Thần Kinh nhị thập cảnh. Và nhắc tới hồ Tịnh, ai nấy liền nghĩ ngay tới đặc sản lừng danh của địa phương: sen. Ca dao miền Hương Ngự có câu: Hồ Tịnh Tâm nhiều sen bách diệp, Đất Hương Cần ngọt quýt, thơm cam…
Tác giả: Đào Hải Lâm Ngày đăng: 23/12/2016

Hạt sen Tịnh Tâm - Đặc sản Huế

Vốn là khu thượng uyển nổi tiếng hàng đầu của vương triều Nguyễn, Tịnh Tâm từng được vua Minh Mạng làm thơ ca ngợi 10 bài liền với tiêu đề Bắc hồ thập cảnh. Vua Thiệu Trị lại xếp hạng Tịnh Tâm vị thứ 3 trong danh mục Thần Kinh nhị thập cảnh.

Ngự chế áng thơ Tịnh hồ mạn hứng (Cảm hứng mùa hè ở hồ Tịnh Tâm), vua Thiệu Trị ghi mấy dòng chú dẫn: “Hồ Tịnh Tâm trong veo muôn khoảnh, man mác hai hồ. Một dải đê dài, cầu cao như mống. Vui chơi khúc đàn Nam Phong trên gác Nam Huân, thỏa thích một trời, của nhiều no đủ. Xứng đáng cõi Thọ chốn Tây Trì, rõ ràng là danh thắng kinh đô. Phong quang vô hạn, chưa tận mắt ngắm trông e khó hình dung cảnh trí”.
 

sen hồ tịnh tâm Huế

Ngô Văn Phú chuyển ngữ áng thơ Tịnh hồ mạn hứng như sau:

Trong vắt hồ giăng mấy khoảng xa,

Thềm soi đáy nước, loáng tinh hà.

Cây hoa, lầu gác, dường tiên cảnh,

Đất nước, non sông, thuộc mọi nhà.

Quạt chúa để suông, trời mát mẻ,

Đàn vua tiếng ngọt, nhập thơ ca.

Lâng lâng nhân trí, tình sâu rộng,

Cảnh sắc yêu người, chớ bỏ qua!

Quả thật, Tịnh Tâm không phải một, mà là hai hồ nước hình chữ nhật, cái nhỏ kề cái to; từ trên cao nhòm xuống nom y hệt bức “siêu thư pháp” viết giữa thiên nhiên một đại tự "Minh" – chữ Hán nghĩa là “sáng tỏ”.

Nguyên ủy, đây là khúc sông Kim Long (một chi lưu của sông Hương) chảy qua làng Phú Xuân. Năm Ất Sửu 1805, vua Gia Long quyết định nắn dòng Kim Long để tạo mặt bằng xây dựng Kinh thành Huế. Thoạt tiên là cả dải hồ rộng, mang tên hồ Ký Tế. Vua Minh Mạng nối ngôi, tiếp tục quy hoạch cảnh quan kinh đô, chia hồ Ký Tế làm đôi: một bên là hồ Học Hải – nơi sẽ thiết lập Tàng Thư Lâu; còn một bên là hồ Tịnh Tâm – chỗ ành cho “đấng thiên tử” cùng hoàng thân quốc thích tiêu dao thưởng ngoạn và di dưỡng tinh thần. Vua Minh Mạng lại cho đắp đê Kim Oanh băng ngang hồ Tịnh Tâm và tiến hành kế hoạch sửa sang tôn tạo khu vực này.

Dưới sự chỉ huy của Đô thống hữu quân Nguyễn Tăng Minh và Tham tri bộ Hộ Đào Trí Phú, cả lực lượng 8.000 binh lính đã dốc sức xây dựng Tịnh Tâm thành một công trình to lớn nhất và xinh đẹp nhất so với tất cả ngự viên ở đế đô nói riêng, toàn quốc nói chung.

Trong hồ Tịnh Tâm có ba hòn đảo. Đảo Phương Trượng nằm giữa hồ nhỏ phía bắc, giữa hồ lớn phía nam là đảo Doanh Châu và đảo Bồng Lai. Trên đảo Bồng Lai có điện Bồng Doanh nguy nga tráng lệ - còn gọi Bồng Dinh - lại là nơi mà về sau, năm Quý Tị 1893, các quan phụ chính tuân lệnh lưỡng tôn cung đã đưa vua Thành Thái ra đó “an dưỡng tâm thần”. Vì sao? Nguyễn Phúc tộc thế phả (Nxb Thuận Hóa, Huế 1995; tr. 391) giải thích lý do: bởi đức vua “ tính tình bất thường, ham chơi bời, ít chịu nghe lời can gián”. Chốn thượng uyển xinh tươi trở thành chỗ biệt giam hoàng đế!

Mấy đặc sản hồ Tịnh

Hồ Tịnh Tâm còn âm khác là hồ Tĩnh Tâm. Người dân xứ Huế xưa nay quen gọi một cách vắn tắt: hồ Tịnh. Và nhắc tới hồ Tịnh, ai nấy liền nghĩ ngay tới đặc sản lừng danh của địa phương: sen. Ca dao miền Hương Ngự có câu:

Hồ Tịnh Tâm nhiều sen bách diệp,

Đất Hương Cần ngọt quýt, thơm cam…

Sen bách diệp có hoa nhiều cánh nhỏ màu hồng, được thiên hạ tôn vinh là “giống sen quý nhất trong tất cả giống sen”. Có khả năng sen bách diệp chỉ thắm sắc khoe hương vào giai đoạn thịnh thời của thượng uyển Tịnh Tâm. Chứ thực tế bấy lâu, sen trồng trong hồ này chẳng phải giống sen bách diệp, mà là giống sen trắng bình thường.

Lạ thay, sen thường mọc ở hồ Tịnh cũng thành sen quý! Dễ dàng kiểm chứng điều ngỡ “khó tin nhưng có thật” kia nếu so sánh hạt sen hồ Tịnh với hạt sen nơi khác bằng cách xơi thử đồng thời. Kinh nghiệm ẩm thực kia đã được khá đông người thừa nhận. Chẳng hạn trong sách Nguyễn triều cố sự (Nxb Đà Nẵng in lại, 1997; tr.17), Bửu Kế khẳng định: “Huế nổi tiếng về hạt sen vừa bở vừa thơm, nhưng phải nếm hạt sen Tịnh Tâm mới thưởng thức được mùi vị tuyệt vời của nó”.

Nấu chè sen, cơm sen, súp sen, phụ nữ cố đô kén chọn bằng được hạt sen Tịnh làm nguyên liệu mới mong món ăn đạt phẩm tính ưu việt. Gửi biếu bà con bè bạn sành điệu ở phương xa, bên cạnh nón bài thơ, mè xửng, tôm chua, nem tré, v.v., hạt sen hồ Tịnh tươi hay khô luôn được dân Huế coi là món quà quê hương trang nhã và ý vị vô ngần. Phải chăng nhờ hồ Tịnh có những yếu tố thủy thổ nào đấy phù hợp tối ưu với loài hoa nhị vàng, bông trắng, lá xanh thuộc họ thực vật Nelumbonaceae mà khoa học chưa phân tích thật đầy đủ?

Cùng với hạt sen quá lừng danh, hồ Tịnh còn đôi sản phẩm khác cực kỳ đáo khẩu nhưng ít ai biết, ngoại trừ nguyên người quanh quất đâu xa. Gì thế nhỉ? Xin thưa: rau muống và cá – đặc biệt cá rô.

Ở hồ Tịnh Tâm cũng như nhiều ao hồ khác tại miền Hương Ngự, thời gian trồng và khai thác sen với muống thường tạo thành hai vụ gối nhau. Xuân hè dành cho sen. Thu đông dành cho muống.

Tháng 5 đúng kỳ sen nở rộ. Người ta tranh thủ đổ bông – từ nghề nghiệp chỉ việc hái hoa, để bán cho thiên hạ cắm độc bình đơm cúng bàn thờ hay chưng phòng khách, phòng văn. Rồi phải khẩn trương đổ hột – tức ngắt gương sen về gỡ lấy hạt, thương lái sẽ mua sỉ, đoạn phân phối hạt tươi cho khách nấu ăn ngay hoặc sơ chế hạt khô mà tiêu thụ dần. Hầu như toàn bộ cây sen chẳng có bộ phận nào phải bỏ phí. Nhị sen và tim sen được các cơ sở Đông y Đông dược thu gom làm thuốc. Ngó sen cùng củ sen là thứ mà các tiệm ăn, quán nhậu liên tục đặt hàng. Cả lá sen, người ta cũng cắt bán cho cánh tiểu thương dùng gói cốm, gói bún, gói…hoa sen hay hạt sen. Cuống lá và gương sen sau khi tách hạt lại được dân chúng tận dụng, phơi làm chất đốt.

Cho tới nay, đấu thầu hồ Tịnh Tâm để canh tác sen cùng muống lâu nhất e chẳng ai hơn gia đình ông Nguyễn Văn Vỹ, tên thường gọi là ông Ba Cu. Theo sách Chuyện khảo về Huế của Trần Kiêm Đoàn (Nxb Trẻ, 2000; tr.109 – 110) thì ông Ba Cu đã trồng sen thả muống ở hồ Tịnh suốt 40 năm ròng, kể từ thời điểm 1965 trở về trước. Thập niên kế đó, vài hộ quanh vùng thay nhau đấu thầu hồ Tịnh. Sau năm 1975, Hợp tác xã sản xuất hoa màu hai phường Thuận Thành và Thuận Lộc quản lý hồ này, tiếp tục phân công một số xã viên trồng sen, trồng muống…

Chuyện đắp đập, ngăn thửa liên tục diễn ra. Lòng hồ dần cạn. Các miệng cống bố trí quanh bờ bị tắc nghẽn, nên chức năng điều tiết nước giữa hồ Tịnh với hơn 40 hồ ao khác trong phạm vi Thành Nội 520ha và với hệ thống Ngự hà cũng như Hộ thành hà không còn đảm bảo. Đấy là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây úng ngập cục bộ ở Kinh thành Huế lâu nay mỗi khi mưa lớn kéo dài. Lại thêm tình hình lấn chiếm đất ven hồ để xây nhà, dựng quán, khiến diện tích mặt hồ ngày càng thu hẹp. Nạn ô nhiễm môi sinh ở khu vực này gia tăng là lẽ tất nhiên. Di tích lịch sử bị xâm hại, cảnh quan văn hóa bị triệt tiêu - hiện trạng ấy ai ai cũng đều thấy rõ. Tham quan hồ Tịnh, khách gần xa phải áy náy thốt lên cái câu không mới:

- Tịnh Tâm à! Răng chừ cho tới… ngày xưa?

Muộn còn hơn không. Dự án tu sửa và phục hồi cảnh quan hồ Tịnh Tâm vừa ra đời, do Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế làm chủ đầu tư với các bước thực hiện như sau: quy hoạch chống lấn chiếm, giải tỏa mặt bằng có trọng điểm, sắp xếp lại nhà dân (ở sát khuôn viên Đại học Nghệ thuật Huế tọa lạc cạnh hồ) để lập bãi đậu xe, nạo vét lòng hồ, khôi phục tuyến cấp thoát nước, tiến tới phục chế lần lượt các hạng mục công trình kiến trúc cổ. Dự án đã được chính quyền tỉnh Thừa Thiên – Huế phê duyệt.

Danh thắng Tịnh Tâm hình thành bao giờ

Đại Nam nhất thống chí (sđd) ghi nhận: trong hồ Ký Tế có hai gò cồn, trên đó là hai kho hỏa dược và diêm tiêu lập từ đời Gia Long, đến năm Minh Mạng XIX thì dời hai kho ấy qua phía đông, lấy chỗ làm hồ Tịnh. Tin tưởng tư liệu kia, nhiều sách báo, nhiều trang web cùng các tài liệu hướng dẫn du lịch thời gian qua vẫn khẳng định danh thắng Tịnh Tâm vốn khởi dựng từ niên hiệu Minh Mạng XIX, tức năm Mậu Tuất 1838. Tiếc thay, chi tiết này chưa chính xác.

Trong bài Quelques coins de la Citadelle de Hué (Vài góc Kinh thành Huế) đăng trên Bulletin des Amis du Vieux Hué năm 1922, Léopold Cadièrre và Nguyễn Đình Hòe đã chứng minh rằng trước thời điểm 1838, một số hạng mục kiến trúc cơ bản ở Tịnh Tâm đã hoàn tất và được đưa vào sử dụng. Bằng cớ là qua hồi ký Souvenir de Hué (Kỷ niệm xứ Huế) công bố năm 1867, Michel Đức Chaigneau từng mô tả cảnh sắc hồ Tịnh Tâm với lầu đài cùng tên, thêm non bộ, những bồn hoa to nhỏ, cầu gỗ sơn màu, v.v., khi ông hân hạnh được vời tới đấy tiếp kiến vua Minh Mạng nhiều lần trong giai đoạn 1821 – 1822.

Theo VOV

Hạt sen Tịnh Tâm hiện có bán tại Thảo Mộc Thiên Nhiên Thuận Thành
Bạn đang xem: Hạt sen Tịnh Tâm và các đặc sản hồ Tịnh
Bài trước Bài sau
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

popup

Số lượng:

Tổng tiền: