-
- Tổng tiền thanh toán:
Tác dụng của Linh Chi
Linh Chi là một sản vật quý hiếm của đất rừng Đại Nam với nhiều tác dụng như: Kiện não - tráng kiện, bảo can - bảo vệ gan, cường tâm - mạnh tim, kiện vị - giúp tiêu hóa ở dạ dày, cường phế - giúp phổi , giải độc, giải cảm, và giúp con người sống lâu, tăng tuổi thọ (Đỗ Tất Lợi et al., 1994)
Tác giả: Đào Hải Lâm Ngày đăng: 23/12/2016
Tác dụng của Linh Chi
Trước đây, con người đã biết sử dụng nấm Linh chi để chữa bệnh. Ở Trung Quốc, nhà dược học Lý Thời Trân (1417-1495) trong " Bản thảo cương mục" đã nêu lên Lục bảo Linh Chi với nhiều tác dụng trong điều trị bệnh như: Thanh chi (Long chi) có vị chua ,giúp cho mắt sáng, bổ gan, an thần, tăng trí nhớ. Xích chi (Hồng chi) có vị đắng, tăng trí nhớ, dưỡng tim, trị tức ngực. Hoàng chi (Kim chi) có vị ngọt, an thần, ích tỳ khí. Bạch chi (Ngọc chi) vị cay, ích phổi, an thần, chữa ho, giúp trí nhớ dai. Hắc chi (Huyền chi) vị mặn, trị chứng bí tiểu, ích thận khí. Tử chi có vị ngọt, trị đau nhức khớp xương, gân cốt, ích tinh, làm da tươi đẹp (Đỗ Tất Lợi et al.,1994).
Linh chi(Ganoderma) được quí trọng do nó quí hiếm và chỉ được dùng cho Hoàng tộc. Do sự quí trọng này mà Ganoderma được tồn tại mãi trong văn hóa Trung Quốc, nhiều bức tranh, tượng, tấm thảm thêu và trên áo choàng của Hoàng đế (Wasser, 2005). Ganoderma từ xưa đã được dùng để cải thiện sức khỏe, nâng cao tuổi thọ, tác dụng chữa bệnh đã được ghi nhận trong các dược phẩm truyền thống của Trung Quốc để chữa nhiều bệnh(R. Russell M. Paterson, 2006).
Cách đây hơn 4000 năm loài Xích chi Ganoderma lucidum là một loài nấm Châu Á được thu thập ở Trung Quốc và Hàn Quốc có tên là Ling zhi (nấm bất tử) và ở Nhật Bản có tên là Reishi hoặc Mannentake(nấm 10 ngàn năm) [Wasser, 2005].
Linh chi được xem là thuốc bổ thượng hạng trong các dược phẩm nổi tiếng nhất Trung Quốc(Huang, 1993).
Từ xưa , người Việt Nam đã sử dụng nấm Linh Chi dùng làm dược liệu. Từ thời Lê Quý Đôn (1726- 1784) nấm Linh Chi được đánh giá rất cao:" Linh Chi là một sản vật quý hiếm của đất rừng Đại Nam" với nhiều tác dụng như: Kiện não (tráng kiện), bảo can (bảo vệ gan), cường tâm (mạnh tim), kiện vị (giúp tiêu hóa ở dạ dày), cường phế (giúp phổi) , giải độc, giải cảm, và giúp con người sống lâu, tăng tuổi thọ (Đỗ Tất Lợi et al., 1994).
Các chế phẩm từ Linh Chi (Ganoderma) được dùng để điều trị nhiều bệnh như: gan , tiết niệu, tim mạch (giảm huyết áp, điều hòa huyết áp), ung thư (dùng Linh chi để phụ với các loại thuốc trị ung thư), AIDS (kìm hãm virus HIV), suy nhược cơ thể, tiểu đường (giảm đường huyết), giảm đau, giải độc trong cơ thể, thải xạ (đào thải chất phóng xạ), giảm cholesterol trong máu, mất ngủ, loét dạ dày, làm tăng hệ thống miễn nhiễm của cơ thể, tê thấp, làm da mặt thêm mịn (Đỗ Tất Lợi et al., 1994).
Trong nấm Linh Chi có nhiều nguyên tố khoáng như: Zn, Fe, Cu, Na, Mg, Ge, V, Cobalt..(Đỗ Tất Lợi et al., 1994). Chúng tham gia vào quá trình sinh hóa và trao đổi chất. Chẳng hạn germanium (Ge) trong các dược phẩm từ Linh chi là một chỉ tiêu có giá trị trong điều trị tim mạch và giảm đau trong điều trị ung thư.
Mặc dù Linh Chi bao gồm nhiều loài thuộc chi Ganoderma với các màu sắc và hình dạng khác nhau, nhưng loài Xích chi Ganoderma lucidum đã được xem là có tác dụng liên kết chữa bệnh ở ngực, điều hòa tim mạch, bổ dưỡng trung khu thần kinh, làm tăng trí thông minh và cải thiện trí nhớ (Wasser, 2005).
Hiện nay, bằng các phương pháp nghiên cứu hiện đại các nhà khoa học đã nghiên cứu rất nhiều các hoạt chất có hoạt tính dược lý trong nấm Linh Chi để điều chế dược liệu. Qua các kết quả nghiên cứu, họ đã xác định trong nấm Linh chi có nhiều hoạt chất thuộc các nhóm polysaccharide, steroid và triterpenoid, protein, peptide, acid amin, nucleoside, nucleotide, RNAs, alkaloid, vitamin, các chất khoáng hữu cơ, acid béo… với nhiều hoạt tính dược lý(R. Russell M. Paterson, 2006).
Loài Xích chi Ganoderma lucidum có 2 nhóm hợp chất chủ yếu có hoạt tính sinh học là:
- Polysaccharides: chủ yếu glucans và glycoproteins
- Triterpenes: Ganoderic acids, Ganoderic alcohols và dẫn xuất của chúng (Gao và Zhou, 2003).
Loài Ganoderma lucidum có các tác dụng như sau :
- Hoạt tính chống ung thư: Anti-cancer activities
- Tác dụng chống virus : Anti-viral effects
- Tác dụng bảo vệ gan : Hepatoprotective effects
- Tác dụng bảo vệ tim : Cardioprotective effects
- Tác dụng giảm đường huyết : Hypoglycaemic effects
(Daniel Sliva, 2009) [Mahendra Rai & Paul D. Bridge, 2009].
Các thành phần của loài Ganoderma lucidum như: germanium, -D glucan(polysaccharide), triterpenoid và adenosine có hoạt tính điều trị một số bệnh: viêm gan B, ung thư biểu mô mũi- hầu(NPC), bệnh đái đường và bệnh bạch cầu tủy cấp tính(AML) (Teow Sun Soo, 1994).
Loài Ganoderma lucidum được dùng để điều trị nhiều bệnh như: chứng tăng huyết áp, sự tăng cholesterol máu, bệnh bạch cầu và ung thư dạ dày(Li Wen Xhu et al., 2008).
Các acid ganoderic A, B, G, H và hợp chất C6 được chiết từ loài Ganoderma lucidum có tác dụng giảm đau (Lê Xuân Thám, Trịnh Tam Kiệt, 1995).
Nấm Xích chi Ganoderma lucidum có một số hoạt chất sinh học như enzyme amylase và protease có hoạt tính kháng sinh, ức chế vi khuẩn Staphyllococcus anreus, Salmonella typhi. Chế phẩm từ nấm Linh chi không có độc tố, có tác dụng điều hòa huyết áp, giảm cholesterol trong máu, tăng triglycerid, tăng lipoprotein tỷ trọng cao, tăng khả năng chống bệnh cho cơ thể, có tác dụng tốt đối với bệnh gan, làm giảm men gan và tăng cường khẩu vị ăn uống, giúp tiêu hóa tốt, có tác dụng giảm đường huyết đối với bệnh nhân đái tháo đường, chống khối u, tăng cường sức khỏe cho bệnh nhân sau khi mổ (Nguyễn Thị Chính et al., 1999); chống oxy hóa, khử gốc tự do giúp cơ thể chống lão hóa, kéo dài tuổi thọ.
Các hoạt chất từ nấm Xích chi (Ganoderma lucidum) có tác dụng chống khối u, chống virus, làm giảm mỡ máu, điều hòa áp suất máu, làm giảm đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường. -D glucan (polysaccharide) có hoạt tính chống ung thư và tăng cường tính miễn dịch; Ganodosteron (steroid) có hoạt tính giải độc ở gan, acid ganoderic (triterpenoid) ức chế sinh tổng hợp cholesterol, giảm đau (Lê Xuân Thám, Trịnh Tam Kiệt, 1995). Nấm Xích chi còn có một số hoạt chất methanol, hexane, ethyl acetate kìm hãm quá trình sinh trưởng và phát triển của virus HIV (Kim B. K. et al., 1994).
Các hợp chất từ loài Ganoderma resinaceum có tác dụng ngăn ngừa và điều trị virus, gồm cả virus Pox và virus HIV.
Các polysaccharide từ loài Cổ Linh Chi (Ganoderma applanatum) và Xích Chi (G. lucidum) có tác dụng chống khối u, tăng khả năng miễn dịch , ngăn cản sự phát triển của virus trong tế bào (Stamets P., Chilton J, S.,1983).
Polysaccharide từ các loài Ganoderma applanatum, G. lucidum và Trametes versicolor có khả năng chống khối u, kích thích khả năng miễn dịch và ngăn chặn sự phát triển của virus trong tế bào.
Các hoạt chất từ loài Ganoderma applanatum có hiệu lực chống khối u cao. Vì vậy, chúng được sử dụng để hổ trợ điều trị nhiều bệnh như: ung thư phổi, ung thư vú và ung thư dạ dày.
Bảy hợp chất colossolactones A-G (1-7) thuộc nhóm triterpenoid từ lòai nấm Hoàng Chi (G. colossum) có tác dụng điều hòa sự nhiễm độc của tế bào, chống các tế bào ung thư cổ tử cung: Hela, chống viêm nhiễm (Kleinwachter, Ngô Anh et al., 2001).
Các loài nấm Tử chi Ganoderma fulvellum, G. sinense có tác dụng tốt trong điều trị các bệnh như: tim mạch, tiểu đường, xơ gan, suy nhược cơ thể, giảm đau, giải độc trong cơ thể, thải xạ (đào thải chất phóng xạ), giảm cholesterol trong máu, mất ngủ, loét dạ dày, làm tăng hệ thống miễn nhiễm của cơ thể, tê thấp, làm da mặt thêm mịn.
Theo Lý Thời Trân (nhà dược học Trung Quốc, 1595): trong sách “Bản thảo cương cương mục”, các loài Thanh chi, Hắc chi và Bạch chi có nhiều đặc tính chữa bệnh:
Loài Thanh chi Ganoderma philippii có vị chua, tính bình không độc; chủ trị sáng mắt, bổ gan khí, an thần, tăng trí nhớ.
Loài Hắc chi Ganoderma subresinosum có vị mặn, tính bình không độc; trị chứng bí tiểu, ích thận khí.
Nấm Bạch chi Ganoderma sp. có vị cay, tính bình không độc; ích phổi, thông mũi, cường ý chí, an thần, chữa ho nghịch hơi (Đỗ Tất Lợi et al., 1994).
Các hợp chất ganodermadiol, lucidadiol và acid applanoxidic G thuộc nhóm triterpenoid từ loài Ganoderma pfeifferi có hoạt tính kháng virus cúm type A và virus HSV type 1(R.A.A. Mothana, 2003).
Các hoạt chất thuộc nhóm triterpenoid từ các loài nấm Linh Chi như: Ganoderma applanatum, G. colossum, G. concina, G. pfeifferi, G. tropicum và G. tsugae có hoạt tính chống ung thư và virus(R. Russell M Paterson, 2006).
Các hoạt chất thuộc nhóm triterpenoid từ các loài nấm Linh Chi như: G. australe , G. lobatum , G. mastoporum, G. resinaceum, G. sinense & G. tropicum có tác dụng bảo vệ gan (Stamets P., Chịlton J. S., 1983).
Các dẫn xuất adenosine có trong các loài Ganoderma amboinense và G. capense có tác dụng giảm đau , thư giản cơ, ức chế kết dính tiểu cầu (Đàm Nhận, 1996).
Các hoạt chất thuộc nhóm triterpenoid như acid ganoderic B và C2 từ các loài Linh chi có tác dụng bảo vệ gan, như các loài: Ganoderma australe, G. boninense, G. calidophilum, G. curtisii, G. formosanum, G. fornicatum, G. lucidum, G. lobatum, G. mastoporum, G. mirabile, G. oerstedii, G. pfeifferi, G. resinaceum, G. sinense, G. subamboinense var. laevisporum, G. tropicum, G. tsugae và G. weberianum(Su Ching Hua, 2006).
Chế phẩm từ Linh chi còn có khả năng bảo vệ phóng xạ, hạn chế và loại trừ những tổn thương phóng xạ ở mô và tế bào, do Linh chi có khả năng đào thải phóng xạ (Đoàn Suy Nghĩ, 2000).
Theo kinh nghiệm dân gian, liều lượng Linh chi thô dùng để điều trị bệnh có hiệu quả mỗi ngày là 30 gam khô(Raymond Chang, 1994).
Ngoài các loài nấm dược liệu thuộc họ nấm Linh Chi (Ganodermataceae), có nhiều loài nấm trong các họ khác cũng được sử dụng làm dược liệu để điều trị bệnh như một số loài trong các học nấm lỗ (Coriolaceae), nấm gỗ (Hymenochaetaceae), nấm dai (Lentinaceae) …
Chế phẩm Copolang (polysaccharide) từ loài nấm Vân Chi (Trametes versicolor) (Coriolaceae) có hoạt tính chống khối u, tăng cường hiệu lực miễn dịch (Stamets P., Chilton,J. S.,1983)
Chất agaricin từ loài Lariciformes officinalis (Coriolaceae) được dùng để chữa bệnh lao, làm thuốc nhuận tràng và dùng để thay thế cho quinine (Lincoff G. H., 1988).
Chế phẩm Mesima (polysaccharide) từ loài nấm Thượng Hoàng Phellinus linteus (Hymenochaetaceae) có hoạt tính chống khối u ung thư, kích thích miễn dịch và kìm hãm sự sinh sản của tế bào khối u (Han Kook Sin Yak, 1997).
Chế phẩm Lentinan (polysaccharide) từ loài nấm Hương (Lentinus edodes) (Lentinaceae) có hoạt tính chống khối u, kích thích interferon(kháng thể nội sinh: chất kìm hãm sinh sản chống ung thư), làm giảm lượng cholesterol huyết thanh (Suzuki & Ohshima,1974). Dịch chiết từ bào tử loài nấm Hương(Lentinus edodes) có hiệu quả chống lại bệnh cúm (Suzuku et al.,1974); (Stamets P., Chilton, J. S., 1983).
Ngoài các loài trong họ nấm Linh chi, một số loài trong các họ khác cũng được sử dụng làm thuốc chữa trị bệnh trong dân gian như loài Pycnoporus sanguineus (Coriolaceae) có chứa chất kháng sinh nên nhân dân một vài nơi dùng để chữa bệnh thối tai (Trịnh Tam Kiệt, 2011).
Loài mộc nhĩ lông thô (Auricularia polytricha) (Auriculariaceae) được dùng làm thuốc chữa bệnh lỵ, táo bón, rong huyết, giải độc. Nhiều loài được dùng làm dược phẩm truyền thống ở Trung Quốc như Auricularia auricula ,Ganoderma lucidum, Polyporus umbellatus, Tremella fuciformis (Stamets P., Chilton J. S.,1983). Loài Pleurotus ostreatus được dùng làm thực phẩm và dược phẩm chữa bệnh béo phì và loài Pisolithus tinctorius có tác dụng cầm máu (Trịnh Tam Kiệt, 2011).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ngô Anh (1999), “Nghiên cứu họ nấm Linh chi (Ganodermataceae Donk) ở Thừa Thiên Huế”, Báo cáo khoa học - Proceedings Hội nghị công nghệ sinh học toàn quốc, Hà Nội, tr. 1043-1049.
2. Ngô Anh (2001), “Sự đa dạng về công dụng của khu hệ nấm lớn Thừa Thiên Huế”, Hội thảo quốc tế sinh học, Hà Nội, (1), tr. 14-18.
3. Ngô Anh (2003), Một số ứng dụng của nấm trong công nghệ sinh học và đời sống. Tạp chí nghiên cứu và phát triển - Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường Thừa Thiên Huế, số 2 (40), tr. 14-16.
4. Ngô Anh, Trần Đình Hùng (2005), Một số loài nấm dược liệu được nuôi trồng thành công tại Thừa Thiên Huế. Tạp chí nghiên cứu và phát triển - Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế. Số 4-5 (52-53), tr. 68-70.
5. Ngô Anh, Trần Đình Hùng (2006), Hoàng Chi [Ganoderma colossum (Fr.) C.F. Baker] - loài nấm dược liệu quý hiếm được nuôi trồng thành công tại Thừa Thiên Huế. Tạp chí Khoa học - Đại học Huế. Số 33, tr. 91-94.
6. Ngô Anh, Trần Đình Hùng(2007). Nghiên cứu nấm dược liệu ở Thừa Thiên Huế và quy trình công nghệ nuôi trồng loài Xích chi. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển - Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế. Số 5(64), tr. 9- 14.
7. Ngô Anh, Trần Đình Hùng, Nguyễn Thị Đoan Trang (2008). Nghiên cứu khả năng nuôi trồng nấm Linh Chi Việt Nam trên giá thể tổng hợp.Tạp chí Công nghệ Sinh học. Tập 6, Số 4B, tr. 939 – 947.
8. Ngô Anh (2008). Nghiên cứu sự đa dạng về giá trị tài nguyên của khu hệ nấm lớn ở Thừa Thiên Huế. Kỷ yếu Hội thảo - Sáng Tạo Khoa Học Công Nghệ Việt Nam với sự nghiệp Công nghiệp hóa, Hiện đại hoá đất nước.Hải phòng, 7/2008, tr, 137 - 139.
9. Ngô Anh, Trần Thị Thuý(2009). Nghiên cứu quá trình sinh trưởng và phát triển của loài Xích chi Ganoderma lucidum(W. Curt.: Fr.)Karst. trên một số giá thể tổng hợp. Báo cáo khoa học - Hội nghị Công nghệ Sinh học toàn quốc 2009.Thái Nguyên, 26 – 27/11/2009, tr. 497 – 503.
10. Nguyễn Thị Chính et al., 1999. Nghiên cứu một số hoạt chất sinh học và tác dụng chữa bệnh của nấm Linh chi (Ganoderma lucidum). Báo cáo khoa học Proceedings - Hội nghị Công nghệ sinh học toàn quốc , Hà Nội 1999.
11. Nguyễn Thượng Dong, 2007. Nấm Linh Chi. Nhà xất bản Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội.
12. Bùi Xuân Đồng, Nguyễn Huy Văn, 2000. Vi nấm dùng trong công nghệ sinh học. Nhà xuất bản Khoa häc Kü thuËt Hµ Néi.
13. Bùi Xuân Đồng, Nguyễn Huy Văn, 2000. Vi nấm dùng trong công nghệ sinh học. Nhà xuất bản Khoa häc Kü thuËt Hµ Néi.
14. Trịnh Tam Kiệt, 2011. Nấm lớn ở Việt Nam tập I. Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và Công nghệ Hà Nội.
15. Trịnh Tam Kiệt, 2012. Nấm lớn ở Việt Nam tập II. Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và Công nghệ Hà Nội.
16. Đỗ Tất Lợi (1977), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản và Khoa học Kỹ thuật, Hà Nội.
17. Đỗ Tất Lợi, Lê Duy Thắng & Trần Văn Luyến, 1994. Nấm Linh chi - Nuôi trồng và sử dụng. Nhà xuất bản Nông nghiệp Hà Nội.
18. Đoàn Suy Nghĩ (2000), Nghiên cứu tác dụng bảo vệ phóng xạ của một số chế phẩm từ nấm Linh chi Ganoderma lucidum trên chuột trắng dòng Swiss, Luận án Tiến sĩ Sinh học, Trường đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
19. Đoàn Suy Nghĩ, Ngô Anh (2006), Nghiên cứu tác dụng bổ huyết của nấm Hoàng Chi (Ganoderma colossum) về khả năng giảm tác hại của thuỷ ngân đối với một số chỉ số huyết học của gà. Tập chí khoa học - Đại học Huế. Số 33, tr. 39-43.
20. Đoàn Suy Nghĩ, Ngô Anh (2007). Nghiên cứu tác dụng bổ huyết của
nấm Linh chi Ganoderma lucidum về khả năng giảm tác hại của chì đối với một số chỉ số huyết học của chuột nhắt trắng (Swiss). Tạp chí khoa học- Đại Học Huế . Số 41, tr. 123- 128.
21. Đoàn Suy Nghĩ, Ngô Anh(2007). Nghiên cứu sự tích lũy chì liều thấp ở một số mô của chuột nhắt trắng (Swiss) và tác dụng thải chì của nấm Linh chi Ganoderma lucidum . Báo cáo khoa học - Hội nghị toàn quốc 2007 - Những vấn đề nghiên cứu cơ bản trong khoa học sự sống. Quy Nhơn, 10/8/2007, tr. 126- 128.
22. Đàm Nhận (1996), Nghiên cứu thành phần loài và một số đặc điểm sinh học của nấm Linh chi ( Ganodermataceae Donk) ở Việt Nam, Luận án PTS Khoa học Sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội, Hà Nội.
23. Lê Xuân Thám, Trịnh Tam Kiệt (1995),"Chuyên san nấm Linh chi Ganodermataceae", Tạp chí Dược học (235), tr. 5-103.
24. Lê Xuân Thám (1996), Nghiên cứu đặc điểm sinh học của nấm Linh chi Ganoderma lucidum (Leyss. ex Fr.) Karst. bằng kỹ thuật hạt nhân, Luận án PTS Khoa học Sinh học, Trường đại học Khoa học Tự nhiên ĐHQG Hà Nội, Hà Nội.
25. Lê Xuân Thám, Trịnh Tam Kiệt (1998), " Nghiên cứu khả năng hấp thụ Caesium phóng xạ ở nấm Linh chi", Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội Tập XIV(4), tr. 14-21.
26. Phạm Quang Thu (1994), Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học của nấm Lim Ganoderma lucidum ở vùng Đông Bắc Việt Nam, Luận án PTS Khoa học Sinh học, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
27. Bryce Kendrick, 2004. The Fifth Kingdom - Fungi. Mycologue Publications - Canada.
28. Trinh Tam Kiet, Ngo Anh, Kleinwachter P., Grafe U. (2000), “New unusual sterol-type metabolites from a Vietnamese mushroom, Ganoderma colossum”, Tenth Asian Symposium on medicinal plants, spices and other natural products, Dhaka-Bangladesh.
29. Kim B. K., Kim H. W., Choi E. C., (1994)" Anti- HIV activities of Ganoderma lucidum", Ganoderma: Systematics, Phytopathology and Pharmacology, Proceedings of contributed Symposium 59A,B5th International Mycological Congress Vancouver, p. 115.
30. Kleinwachter P., Ngo Anh, Trinh Tam Kiet, Schlegel B., Dahse H. M., Họrtl A., Grafe U. (2001), "Colossolactones, New Triterpenoid Metabolites from a Vietnamese Mushrooms Ganoderma colossum", J. Nat. Prod. 64(2), pp. 236-239.
31. Lincoff G. H (1988), The audubon society field guide to North American mushrooms, Alfred A. Knopf Inc., New York.
32. Mahendra Rai & Paul D. Bridge, 2009. Applied Mycology. UK.
33. Paul Stamets & J.S. Chilton, 1983. The Mushroom Cultivator. Agarikon Press, Olympia, Washington.
34. Mothana R.A.A., Awadh Ali N.A. et al (2003), “Antiviral lanostanoid triterpenes from the fungus Ganoderma pfeifferi”, Fitoterapia, 74, pp. 177–180.
35. Rym Chouiter, Ipsita Roy, Christopher Bucke, (2007). Optimisation of b-glucuronidase production from a newly isolated Ganoderma applanatum. Journal of molecular catalysis. pp. 114- 119.
36. Russell R., Paterson M. (2006), ”Ganoderma–A therapeutic fungal biofactory”, Phytochemistry,67, pp. 1985–2001.
37. Geeta Sumbali. 2005.The Fungi. Alpha Science International Ltd., Harrow, U.K.
38. Yangling Shi, J. Sun, H. He, H. Guo & S. Zhang (2008). Hepatoprotective effects of Ganoderma lucidum peptides against D- galactosamine- induced liver injury in mice. Journal of Ethnopharmacology, pp. 415- 419.
39. Zhao J. D. (1989), The Ganodermataceae in China, Berlin- Stuttgart.
Ngô Anh (Đại học Khoa học Huế)