-
- Tổng tiền thanh toán:
Hướng dẫn pha trà ngon
Trên thế giới có nhiều phong cách pha trà nhau như Trung Quốc, trà đạo Nhật Bản Indian Pale Ale (Ấn Độ). Nghệ thuật uống trà Việt Nam phản ảnh đầy đủ nét văn hóa của người Việt, được gói lại trong câu: Nhất thủy, nhì trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh.
Tác giả: Đào Hải Lâm Ngày đăng: 23/12/2016
Hướng dẫn pha trà ngon
Trong mọi thức uống, thì trà là thức uống phổ biến nhất. Thoạt đầu với tác dụng giải khát, dần dần phổ biến rộng rãi, sau được nâng lên thành nghệ thuật tao nhã, một biểu hiện văn hóa của con người khi thưởng thức nó. Trà theo bước con người đi khắp mọi nơi, đi vào các tầng lớp xã hội của mọi dân tộc, trở thành thức uống đặc biệt ưa thích của thế giới. Trà đem lại cho con người nhiều cảm xúc thanh cao, những phút thi vị của cuộc đời.
Trên thế giới có nhiều phong cách pha trà khác nhau như Trung Quốc, trà đạo Nhật Bản Indian Pale Ale (Ấn Độ). Để thuần thục từng phong cách cần phải có đam mê, được hướng dẫn và thực hành trong thời gian khá dài. Cách pha trà của người Việt bị ít nhiều ảnh hưởng bởi cách pha trà của người Hoa và cách pha trà của chúng ta gần như là phiên bản đơn giản hoá và cách điệu của Trà đạo Trung Hoa. Nghệ thuật uống trà Việt Nam phản ảnh đầy đủ nét văn hóa của người Việt, được gói lại trong câu: Nhất thủy, nhì trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh.
Tùy từng loại trà nhưng thông thường đều qua các giai đoạn sau:
Phần chuẩn bị
- Nước pha trà
Trà thích hợp với nước tự nhiên thanh khiết, nước pha trà ngon nhất là nước đọng trên lá sen, hay nước mưa hứng từ tàu cau, nước tự nhiên thanh khiết rất ít các tạp chất, mùi lạ và ít làm ảnh hưởng đến hương của Trà.
Có thể dùng nước giếng nếu là giếng đá ong càng tốt, Trường hợp không có nước tự nhiên thì thay thế bằng nước suối (nước lọc)
- Trà cụ
trà cụ là bước căn bản nhất
+ Trà táo: bộ bếp và nồi đun nước để pha trà, ngày xưa đây là yếu tổ kim và hỏa trong trà đạo và người ta thường dùng ấm gang hoặc kim loại đun bằng lò than. Ngày nay, thời hiện đại, có thể dung bếp điện, bếp hồng ngoại, bếp từ thay thế.
+ Ấm pha trà: là ấm dùng pha và hãm trà, cũng tùy loại trà để lựa chọn ấm pha trà và có rất nhiều loại ấm để chọn lựa. Ấm pha trà tử sa là lựa chọn tối ưu cho dân sành trà, sở hữu bộ trà cụ tử sa thể hiện đẳng cấp cũng như đầu óc nghệ thuật, tinh tế của người chủ buổi tiệc trà.
+ Chén tống: còn gọi là chén tướng, là chén to có thể đựng được lượng nước trà đủ san ra các chén trà với số chén theo số người uống, cũng có thể dùng một chiếc ấm hoặc chung trà để thay thế
+ Chén quân: chén để uống trà, lựa những chiếc chén quân có độ lớn đựng được lượng nước trà đủ cho 3 ngụm (một ngụm lớn và hai ngụm nhỏ).
+ Thìa: dùng để xúc trà tránh tiếp xúc bằng tay, do mồ hôi tay có thể ảnh hưởng đến chất lượng trà, hoặc lấy trà bằng tay có thể gây phản cảm hoặc mất vệ sinh
+ Trà thuyền: là cái chậu nhỏ đựng nước nóng để ấm trà vào trong đó mục đích làm trà chậm nguội
+ Lọc trà: dùng để lọc trà khi rót ra tống
+ Hũ đựng trà: dung để chứa trà và bảo quản trà, hũ trà thường được trang trí họa tiết rất đẹp, gần gũi với cuộc sống sinh hoạt nhưng cũng mang tính thẫm mĩ cao
+ Kháo trà: là một chiếc bát lớn vừa phải dùng đựng nước sôi để vệ sinh và làm nóng các các dụng cụ trước khi pha trà, đồng thời bỏ nước tráng trà và bả trà sau khi dùng xong
+ Khay trà: Tuy không đụng chạm trực tiếp gì đến trà nhưng khay trà góp một phần trong thú chơi trà
Ngoài ra còn có một số món như: bồn đựng bã trà, cóng xúc trà hay trà tắc là thanh nhỏ cuốn cong để xúc trà trong hộp cho vào ấm pha, tăm thông vòi, cái kẹp chén (để kẹp chén tráng nước sôi), trà kỷ (bàn nhỏ để uống trà), văn hương bôi là chén nhỏ để rót ra đó ít nước trà dùng ngửi chiêm ngoạn hương vị trước khi uống, vật cưng trà (pet tea) dung để trang trù và là dụng cụ thử nước sôi, … và nên có lư hương trầm đốt lên khi thưởng trà.
Pha trà
- Đun nước: Để nước nóng lên từ từ đến sôi lớn, nhấc ra mở nắp ấm để cho nước trong ấm trở lại phẳng lặng, việc này giúp hạ nhiệt độ nước, thường người ta rót nước từ độ cao khoảng 20-30cm với dòng nước có đường kính khoảng 1cm để tiếp tục hạ nhiệt độ. Với cách đun và rót nước như vậy thì sau khi rót nước xong quý vị sẽ có nước với độ nóng thích hợp để pha trà
- Rửa ấm chén bằng nước nóng: Đun nước rồi không phải cứ thế mà pha vào trà, mà pha trà phải qua một số thủ thuật, đầu tiên là phải rót nước sôi tráng ấm chén trà, mục đích là tiệt trùng đồng thời tránh giảm nhiệt độ nước khi pha và giữ hương trà tốt hơn.
- Cho trà vào ấm: Dùng thìa tre hoặc thìa gỗ để múc trà (không nên dùng thìa kim lọai). Sau đó cho vào ấm lượng trà theo độ đậm nhạt tùy người uống. Ngày xưa các cụ đồ nho gọi động tác này rất văn chương: “Ngọc diệp hồi cung” (lá ngọc quay về cung).
Đối với một bình trà 150 ml ít nhất 15 gram lá chè được sử dụng, tuy nhiên tùy thuộc vào kích thước và dung tích ầm, chiều cao của trà vào khoảng giữa 1/2 và 2/3 là đầy đủ.
- Rửa trà: Đây là bước rửa trà, loại một số tạp chất, thao tác này cũng giúp lá chè ngấm nước, nở ra, tinh chất trà trong lá sẽ bền hơn và có thể gọi là đánh thức trà. Rót nước từ độ cao khoảng 25cm, dòng nước nhỏ đến khi nước tràn ấm mang theo bọt nước tràn hết ra ngoài, đảo hoặc lắc nhẹ ấm và rót ra. Bước này được gọi là “Cao sơn trường thủy” (núi cao sông dài)
- Hãm trà: Rót nước vào ấm và để cho trà ngấm, tùy loại trà và kinh nghiệm uống mà hãm 15 đến 60 giây đồng hồ có khi 3 phút. Bước này còn có tên “hạ sơn nhập thủy” (xuống núi tắm sông).
Trong khi chờ cho trà ngậm nước, tráng chén tống và chén quân bằng nước nóng.
Sau mỗi lần nước cần hãm lâu thêm khoảng 30 giây cho đến 1 phút vì mỗi lần nước sau trà cần thời gian để tiết ra.
- Rót trà: Trà được rót ra chén tống giờ sau đó từ chén tống chia ra các chén quân để thưởng thức. Khi chia trà cũng không rót đầu chén này rồi qua chén kia; mà rót một chút vào mỗi chén, hết vòng nếu còn rót thêm một vòng nữa. Rót như thế hương vị và độ đậm nhạt các chén đều như nhau.
Rót trà cũng đòi hỏi có khuôn phép và thể thức. Nếu rót xoay vòng các chén quân mà không nhấc tay lên gọi là cách rót “Quan Công Tuần Thành”; còn nếu rót một chén xong nhấc tay lên rồi rót chén khác gọi là cách “Hàn Tín Điểm Binh”.
Nước thứ nhất chỉ nên rót ra 2/3 ấm, chừa lại 1/3 ầm làm nước cốt cho lần tiếp theo. Khi rót trà đừng bao giờ rót đầy chén, chỉ rót khoảng 2/3 mà thôi.
Uống trà - thưởng trà
Đối với chén trà đầu tiên này chúng ta nên uống thành 3 ngụm, cách này vừa để thưởng thức vừa là để tỏ lòng cảm tạ đối với người mời trà cũng là để kiểm tra chất lượng trà. Ngụm thứ nhất bé đủ để nếm ở đầu lưỡi và đồng thời ngửi hương thơm của trà. Ngụm thứ hai uống một ngụm lớn gần hết chén trà đẩy cho trà tràn vào mọi ngóc ngách trong khoang miệng rồi nuốt hết, và cảm nhận hậu hương của trà. Ngụm thứ ba uống hết chỗ còn lại nhằm kiểm lại tiền hương, tiền vị và kiểm thêm hậu vị của Trà. Từ chén trà thứ 2 mỗi người uống theo cách riêng của mình, từng ngụm nhỏ hay một ngụm lớn tùy thích sao cho thấy sảng khoái.
Người bình thường uống trà có thể một tay nâng chén lên, nhấp một miếng rồi uống một hơi, xong khà một tiếng sãng khoái. Bao lo toan trong cuộc đời phút chốc tan biến dù bên mình chỉ có chiếc áo xác xơ với tô cơm đạm bạc. Nhưng giới uống trà trung lưu trí thức ngày xưa thì không vậy; nâng chén trà lên phải hai tay ngón giữa phải đỡ lấy đáy chén, ngón trỏ và ngón cái đỡ miệng chén gọi là “Tam long giá ngọc” (ba con rồng đỡ hòn ngọc). Người mời trà và khách khi nâng chén cùng nhau thưởng trà đều phải cung kính cúi đầu chào nhau. Trước khi đưa tới miệng, phải nâng chén trà sang tay trái rồi qua phải gọi là “du sơn lãm thủy” (đi chơi tiêu dao sông nước). Tiếp chuyển chén trà vào trong lòng bàn tay, năng lên mũi để thưởng hương trà theo hơi nước bốc ra, rồi lấy tay che chén trà và miệng để nhấp một ngụm nhỏ. Từ từ cho ngụm trà đi xuống cổ họng, trầm tư thụ hưởng vị trà trong cổ và hơi trà dâng lên mũi. Kiếm được người cùng mình thưởng trà như thế này quả không dễ vào thời buổi bây giờ
Vệ sinh trà cụ
Vệ sinh trà cụ là một bước quan trọng sau các buổi thưởng trà, các nguyên tắc chính như sau:
- Trà không nên để lại trong ấm sau khi uống xong. Ấm chén trà phải được làm sạch kỹ lưỡng và rửa sạch với trà nóng.
- Đồ dùng phải được khử trùng bằng nước sôi.
- Ấm trà nên được rửa sạch với trà nóng và bên ngoài nên lau và đánh bóng bằng một miếng vải lanh tốt.
- Ấm trà không được rửa bằng chất tẩy rửa hoặc xà phòng.
- Các ấm chén trà phải được để khô tự nhiên.
- Các đồ dùng và phục vụ nên để khô tự nhiên trên khay trà.
Trà là một phương tiện quan trọng trong việc liên kết con người với con người. Biết bao tình bạn thắm thiết từng có sự góp mặt của chén trà ly rượu. Thưởng thức trà là một nghệ thuật tao nhã của văn nhân mặc khách. Có người uống trà để cảm nhận triết lý của cuộc sống. Có người nhấm chén trà để ưu thời mẫn thế. Những bậc thiền sư, cao tăng, đạo sĩ ẩn dật thưởng thức trà để thấu hiểu cội nguồn con đường giải thoát. Người phương Đông đã thực sự đạt được sự hài hòa cân đối trong tâm hồn khi uống trà. Có bạn tri kỷ đàm đạo bên bình trà ngon, nhấp từng ngụm trà mà suy tư, mượn chén trà mà tâm tình với bạn. Trước chén trà, thời gian như ngừng trôi, mọi việc thế sự chỉ còn như mây khói.
Trà là đồ uống của người nông nghiệp thích cuộc sống ổn định, an nhàn, bình thản. Con người Việt Nam với lối tư duy tổng hợp trong tinh thần văn hóa truyền thống với đầy đủ mọi đặc tính trọng tình, trọng đức, trọng văn, và đời sống cộng đồng cao độ. Cho nên trong nghệ thuật uống trà, thưởng thức trà, người Việt Nam uyển chuyển nhanh nhạy, bao quát: không quá cầu kỳ, nhưng cũng không quá đơn giản: không quá nghi lễ, nhưng cũng không quá bình dân. Đó là một sự thông thái, kết hợp uyển chuyển để đi đến hoàn hảo, đến trung dung trong nghệ thuật thưởng thức trà.
Trà Thái Nguyên Tân Cương, Trà Cung đình Huế, Trà Long Tĩnh, Trà Thiết Quan Âm, Trà Oolong, Trà Hoa, Trà cao cấp, Trà các loại có bán tại Thảo Mộc Thiên Nhiên Thuận Thành .Tel: 0862725905 - 0932722022 - Website: thegioithaomoc.net